Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp (DN), việc cởi trói vẫn chỉ là “phần ngọn”. Cái gốc là đầu tư cho nông nghiệp, ngành lúa gạo vẫn còn rất thấp, chưa bài bản, nên gạo Việt Nam “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”.
Mới đây, Bộ Công Thương đã bãi bỏ Quyết định 6139 về quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo vốn bị các DN kêu là bất cập nhiều năm qua. Theo đó, quy định khống chế ở số lượng 150 DN đầu mối được xuất khẩu gạo, khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo… tại 17 tỉnh thành, hay quy định về thành tích xuất khẩu 10.000 tấn/năm cũng được gỡ bỏ.
Cởi được “một vài sợi dây”
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc DNTN Cỏ May (Đồng Tháp) cho rằng quyết định trên của Bộ Công Thương “giống như người bị nhiều sợi dây trói, mới cởi được một hai sợi, chứ bảo được tự do thì chưa”. “Về tổng thể vẫn chưa có gì thay đổi, vì còn vướng Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo và một số quy định khác, nên cơ hội làm ăn cũng không có gì mới”- ông Thiện nói.
“Đầu tư vào ngành lúa gạo, kể cả các đại gia, đừng nghĩ trồng lúa như nông dân thì dễ ợt. Nhảy vô rồi, trồng làm sao cho ngon, được quốc tế công nhận, lúc đó mới thấy đau đớn”.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lúa gạo
Theo ông Thiện, hiện DN của ông vẫn chưa tự xuất khẩu được gạo trực tiếp vì vướng “anh” 109. Vì thế, DN Cỏ May phải “đi vòng”, lập một công ty ở Singapore và đây cũng là thị trường xuất khẩu duy nhất của Cỏ May. Thực tế, số lượng bán cho các siêu thị và bán lẻ ở Singapore chỉ được vài trăm tấn, nhưng giá cao gấp 2-3 lần giá xuất bình thường. Ông nói: “Cái được, là sản phẩm thương hiệu Cỏ May đến trực tiếp tay người tiêu dùng và họ đánh giá cao về gạo Việt Nam”- ông Thiện nói.
Ông chủ DN Cỏ May cho hay, một năm nay DN gần như không phát triển thị trường, giảm tới 40% lượng tiêu thụ. Trong khi thị trường nội địa chỉ có chừng mực, muốn đột phá phải xuất khẩu nhưng đang bị vướng. “Nếu xuất ủy thác, chúng tôi phải cung cấp tên tuổi khách hàng, công ty, chủng loại hàng hóa, sản phẩm, đơn giá, phương thức thanh toán… Anh là DN được ủy thác và cùng ngành, chắc cũng khó bỏ qua cơ hội này để lấy khách hàng cho mình. Do vậy, người làm ăn trong nghề, không bao giờ chấp nhận kiểu giao dịch ủy thác đó được”- ông Thiện nói.
Giám đốc DN Cỏ May trông đợi: chính phủ sẽ cho phép mọi DN tham gia ngành gạo đều có quyền xuất khẩu gạo. “Giống như ngành hàng cá tra, dù chỉ phát triển hơn chục năm nay, nhưng đã đi tới 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vấn đề là sản phẩm của mình thuyết phục được thị trường”, ông Thiện nói.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Cty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng, sau những cởi bỏ trên, cần rà soát lại nghị định 109, trong đó nên bỏ giá sàn đối với gạo xuất khẩu nhằm tránh việc DN nước ngoài lợi dụng để “đè” giá gạo Việt Nam.
Ông Bình nói: “Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra giá sàn, bắt các DN xuất khẩu tuân thủ là bất hợp lý. Chẳng hạn giá sàn loại gạo 25% tấm là 320 USD/tấn. Giá các loại gạo khác tùy DN tính toán. Tuy nhiên, khi chúng tôi chào giá với khách hàng nước ngoài tới 330-340 USD/tấn, họ kêu trời, bảo rằng giá của hiệp hội đưa ra 320 USD/tấn, sao ông lại đòi lên cao thế! Cái này tai hại vô cùng bao nhiêu năm nay”.
Phân tích về bất cập của nghị định 109, TS Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra rằng, VFA (chủ yếu là các tổng công ty lương thực nhà nước) đang nắm “quyền lực” quá lớn, tạo ra sự bất bình đẳng. Theo ông Vinh, tư duy quản lý trong nghị định là lạc hậu, cơ học, thiên về số lượng, không nâng cao được chất lượng gạo cũng như không làm tăng giá gạo xuất khẩu và thu nhập của nông dân.
Theo TS Vinh, với cách làm như thời gian qua, xuất khẩu gạo chỉ tăng quyền lực cho các DN xuất khẩu lớn, loại DN nhỏ ra khỏi thị trường và tạo thêm sức ép đối với nông dân. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu kém cạnh tranh, chi phí gia nhập thị trường rất lớn, thị trường tập trung trong tay hiệp hội sẽ hạn chế sự sáng tạo của DN cũng như hạn chế xuất khẩu lúa gạo chất lượng cao, gạo đặc sản vùng miền sản lượng nhỏ.
Đừng nghĩ trồng lúa dễ ợt!
“Cởi bỏ” rào cản rồi, liệu gạo Việt có cạnh tranh được không? Ông Phạm Thái Bình cho rằng: “Mấu chốt nhất vẫn là đầu tư vào nông nghiệp quá kém. Bảo ưu đãi thế này, thế kia nhưng thực tế rất khó. Đó là cái sâu xa khiến gạo Việt Nam không cạnh tranh được”.
Theo ông Bình, hiện có nhiều loại gạo khách hàng cần mua, nhưng ta không có để bán. “Mình toàn sản xuất thừa những loại gạo người ta không cần, thiếu cái người ta cần. Thế nên, thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa. Muốn làm điều đó, phải quy hoạch lại sản xuất, theo nhu cầu người tiêu dùng. Thế giới bây giờ kén chọn lắm. Họ không ăn loại gạo trồng từ lúa bón phân, xịt thuốc vô tội vạ đâu”.
Theo ông Bình, muốn để có gạo phù hợp, chất lượng tốt, Nhà nước cũng phải đầu tư, không thể chỉ nói, rồi để nông dân và doanh nghiệp “tự bơi” được.
Theo GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lúa gạo, hãy nhìn cách làm của Campuchia. “Campuchia làm được vì họ tập trung vào công nghệ hiện có, rồi tuyển chọn giống lúa, cho khoảng 8.000 DN vay tiền để trang bị máy móc thiết bị sản xuất, chế biến gạo. Lúa chất lượng cao, nhà máy chế biến hiện đại, sẽ có gạo tốt và bán tốt”- GS Xuân nói.
Ông Xuân phân tích: “Các nước như Thái Lan, Campuchia trồng lúa mùa tới 5-6 tháng mới thu hoạch, không cần bón nhiều phân nhưng năng suất 3-3,5 tấn/vụ, mỗi năm một vụ. Còn mình muốn năng suất cao, trồng 3 vụ/năm. Vì thế, chỉ cạnh tranh năng suất cao hơn thôi, không biết bao nhiêu thuốc trừ sâu, phân bón trong lúa”.
Theo Nam Khánh (Tiền Phong)